Tin tức y học > Vì sao cần thiết tiêm vắc xin Viêm gan B trong 24 giờ sau sinh

1. Tại sao phải tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh:

Viêm gan B là một bệnh gây ra sưng tấy và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do vi-rút viêm gan B. Trên thế giới ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người (30% dân số) bị nhiễm virus viêm gan B và hơn 400 triệu người bị bệnh gan mạn tính. Hàng năm ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan. Tùy theo tỷ lệ viêm gan B mạn tính chia 3 vùng lưu hành: Vùng lưu hành thấp <2% (Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc) lứa tuổi nhiễm bệnh thường là người lớn và nhóm nguy cơ (lây truyền qua quan hệ tình dục, truyền máu, tiêm chích không an toàn); Vùng lưu hành trung bình 2-8% (Đông Âu, Nga, Địa Trung Hải, Trung Đông, Nam Mỹ) mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm; Vùng lưu hành cao >8% (Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Phi) lứa tuổi nhiễm chủ yếu <1 tuổi (lây truyền trong lúc sinh) và lây truyền từ trẻ này sang trẻ khác, nên nguy cơ phát triển thành viêm gan B mạn tính cao nhất. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang vi-rút viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.

Các đường lây truyền vi-rút viêm gan B:

  • Lây từ mẹ qua con (chu sinh): trẻ sơ sinh là nguồn nhiễm vi-rút viêm gan B chủ yếu ở nhiều nước trên thế giới. Lây truyền vi-rút từ mẹ sang trẻ trong lúc sinh rất dễ dàng. Nếu mẹ có HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm vi-rút viêm gan B. Nếu mẹ chỉ mang HBsAg+ thì khoảng 10% trẻ bị nhiễm. Lây truyền trong bào thai rất hiếm xảy ra, ước tính khoảng dưới 2% trong hầu hết các nghiên cứu. Chưa có bằng chứng cho thấy virút VGB lây truyền qua đường nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Lây truyền từ trẻ qua trẻ: giải thích cho hầu hết những trường hợp nhiễm vi-rút viêm gan B ở trẻ lớn. Lây truyền thường xảy ra ở nhà, bệnh viện nhi, trường học và nhà trẻ. Cơ chế lây truyền từ trẻ qua trẻ có thể liên quan đến sự tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương. Vi-rút viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt thông qua vết cắn, vết trầy xước khác ở da, và cũng như qua sự nhai thức ăn trước cho trẻ. Bên cạnh đó vi-rút có thể lây qua khi dùng chung khăn lau hay bàn chải đánh răng bởi vì vi-rút có thể tồn tại ít nhất 7 ngày bên ngoài cơ thể và có thể được tìm thấy trên những vật dụng hàng ngày. Lây truyền qua sự tiêm chích và truyền máu: tiêm không an toàn là đường lây truyền chủ yếu của vi-rút viêm gan B và những bệnh khác (Viêm gan C, HIV) trên nhiều quốc gia. Ngoài ra, ở nhiều nước nơi mà truyền máu không được kiểm tra HBsAg cũng là nguồn lây truyền chủ yếu.
  • Lây truyền trong khi quan hệ tình dục: khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể.

90% trẻ bị nhiễm lúc dưới 1 tuổi sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính và là nguồn lây chủ yếu của cộng đồng; trong khi nhiễm lúc 1-4 tuổi thì 40% trở thành mắc bệnh mạn tính.

Vì vậy, ngay cả các quốc gia đã phát triển cũng thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B lúc sơ sinh. Ước tính số trẻ có khả năng nhiễm viêm gan B mạn tính nếu không tiêm vắc xin viêm gan B hàng năm tại Việt Nam như sau:

Chưa kể 15.000 trẻ xơ gan, ung thư gan và tử vong trong 1 năm, với hơn 60 ngàn trẻ mà 90% không có biểu hiện lâm sàng, mạn tính, trong cuộc đời là nguồn lây nhiễm rất lớn cho cộng đồng.

2. Làm thế nào trẻ sơ sinh có thể tiếp xúc với vi-rút viêm gan B:

Trong giai đoạn mang thai rất hiếm xảy ra lây truyền từ mẹ sang con, không quá 2%. Vi-rút viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu vào thời gian sinh đẻ. Ở thời điểm này khi tử cung co thắt, các mạnh máu nơi nhau bám cũng bị co thắt có thể giúp máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con (bình thường máu mẹ và máu con không tiếp xúc nhau, mà chỉ trao đổi chất tại bánh nhau) hoặc khi trẻ chui qua ống âm đạo của mẹ, sự lây truyền sẽ diễn ra trong thời điểm này. Nếu mẹ bị nhiễm có HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sẽ bị lây truyền; hoặc mẹ nhiễm chỉ có HBsAg+ thì khả năng lây truyền là 10% . Vi rút có thể truyền sang trẻ khi tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm trong gia đình, người chăm sóc.

3. Tại sao phải tiêm vắc xin trong 24 giờ sau sinh:

Tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ nhằm mục đích phòng chống lây truyền vi-rút viêm gan B từ mẹ sang con. Đây là chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới, và là chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trong phòng chống bệnh viêm gan B. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006, trong 193 quốc gia có 163(84%) nước triển khai tiêm vắc xin viêm gan B trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó 81(42%) quốc gia thực hiện tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh,kể cả các nước đã phát triển như Mỹ, Canada... Việc tiêm vắc xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Khác với vắc xin phòng lao, bại liệt và vắc xin viêm gan B mũi 2, 3, 4 là để phòng phơi nhiễm trong tương lai; tiêm vắc xin viêm gan B mũi 1, càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với vi rút ngay khi sinh, đây là một cuộc đua giữa sự nhân lên của vi rút và vắc xin tạo ra kháng thể kịp thời bắt lấy vi-rút đang có trong cơ thể, do đó nhiều nước đã tiêm ngay trong vòng 12 giờ. Cơ chế này giống như tiêm vắc xin phòng bệnh dại, là tiêm ngay khi nghi bị chó, mèo dại cán, nhưng có lẽ bệnh dại có thể thấy nguy cơ tử vong ngay; còn viêm gan B ở sơ sinh có đến 90% không có biểu hiện lâm sàng, sau hàng chục năm mới có biểu hiện xơ gan, ung thư gan và tử vong.

4. 3 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị đã gây nhiều bà mẹ lo lắng, hơn nữa xét nghiệm HBsAg- có nên tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ không?

Việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh là cần thiết. Việt Nam bắt đầu thực hiện lịch tiêm có liều sơ sinh từ năm 2002. Đến năm 2007 vì một số trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B đã làm tỷ lệ tiêm trong 24 giờ giảm từ hơn 60% xuống còn 21%, liên tục trong 3 năm sau đó tỷ lệ này vẫn đạt thấp dưới 40%. Bằng sự nỗ lực của Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các bà mẹ đến năm 2012 tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đã nâng lên trên 75%. Nếu chỉ tính khoảng 30-50% khác biệt này mỗi năm thì sẽ có khoảng 20 đến 35 ngàn trẻ có khả năng nhiễm viêm gan B mạn tính và 25% trong số này diễn tiến đến xơ gan và ung thư gan; mỗi trường hợp mạn tính này, khi chưa có biểu hiện lâm sàng là nguồn lây lớn cho cộng đồng, chưa kể đến việc nhập viện, điều trị và người chăm sóc là gánh nặng lớn cho hệ thống y tế và xã hội.

Một nghiên cứu tại Mỹ ghi nhận 1.771 trường hợp tử vong sơ sinh, trong đó 18 tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B và 17 có giải phẫu tử thi ghi nhận nguyên nhân tử vong bao gồm: 12 hội chứng đột tử trẻ sơ sinh, 3 nhiễm trùng và xuất huyết não, ngạt thở, tim bẩm sinh là 1 trường hợp. Dữ liệu này còn cho thấy vắc xin viêm gan B không gây ra tử vong sơ sinh.

Nhận định nguyên nhân các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng cần những bằng chứng khoa học dựa trên chứng cứ. Đối với mỗi trường hợp phản ứng cần xác định nguyên nhân ở đâu để khắc phục: do vắc xin, lịch tiêm hay dịch vụ tiêm chủng. Trường hợp xảy ra chùm ca phản ứng thường được nghĩ nhiều đến lỗi do dịch vụ tiêm chủng và cần sớm được khắc phục.

Ở một số quốc gia đã phát triển, lưu hành viêm gan ở mức thấp, đường lây truyền từ mẹ sang con không phải là chủ yếu, nhưng tiêm vắc xin viêm gan B từ rất sớm, thậm chí thực hiện tiêm trong vòng 12 giờ đầu sau sinh. Trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg âm tính, trên lý thuyết là không mắc viêm gan B, tuy nhiên vẫn tiêm vắc xin ngay sau sinh vì một số lý do sau:

  • Xét nghiệm âm tính giả trong khi mẹ vẫn đang nhiễm vi-rút viêm gan B; chưa kể chất lượng xét nghiệm, ghi chép nhầm, báo cáo nhầm.
  • Mẹ đang nhiễm ở thời kỳ cửa sổ (30-60 ngày), nên không phát hiện được qua xét nghiệm.
  • Một số trường hợp chủng đột biến vi-rút viêm gan B nên có thể lẩn tránh hệ thống miễn dịch và không phát hiện được qua xét nghiệm máu.
  • Mẹ xét nghiệm HBsAg âm tính nhưng đứa trẻ có thể bị phơi nhiễm viêm gan B trong phòng sinh từ một sản phụ khác hoặc nhân viên y tế từ người thân khác đang mắc viêm gan B.

Đặc biệt Việt Nam là nước có tỷ lệ lưu hành ở mức cao do đó việc tiêm vắc xin viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ không chỉ phòng lây truyền từ mẹ sang con, mà còn lây ngang từ môi trường xung quanh, người thân, người chăm sóc.

5. Khuyến cáo gì nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cũng như chất lượng dịch vụ:

Vắc xin viêm gan B là một trong những vắc xin an toàn, các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra như sưng, đau tại chỗ tiêm 1-3%; sốt 0,4-8% hoặc mệt mỏi, kích thích 8-18%. Ngày đầu tiên sau khi sinh là thời điểm nguy cơ cao đối với tử vong sơ sinh và điều đó dễ dẫn đến dễ đổ lỗi do tiêm chủng. Bất kỳ thuốc, vắc xin hoặc sinh phẩm đều có thể có một tỷ lệ rất hiếm các phản ứng bất lợi nghiêm trọng. Tuy nhiên, những trường hợp phản ứng nặng như sốc phản vệ là rất hiếm gặp1/1,1 triệu liều tiêm.

Ngày nay do hệ thống thông tin rất nhanh và nhạy vì vậy khi có những trường hợp phản ứng sau tiêm càng làm tăng thêm tâm lý lo ngại của các bà mẹ và nhân viên y tế. Bên cạnh đó, sự tham gia thực hiện công tác tiêm chủng của cán bộ y tế hiện nay cũng là một áp lực không nhỏ, "phòng bệnh là có ích" điều này chắc chắn ai cũng hiểu được, nhưng dư luận của cộng đồng càng lớn hơn. Khi có một trường hợp tử vong sau tiêm dù bất kỳ nguyên nhân nào, thì người phải đối mặt đầu tiên là cán bộ y tế với những rủi ro như bị cấp trên khiển trách, đình chỉ công việc, báo chí truy hỏi hoặc do phụ huynh của trẻ vì đau lòng... chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng cho những người làm công tác vì mọi người.

Các biến chứng và tai nạn trong tiêm chủng phải được coi là cái giá mà chúng ta phải trả để bảo vệ chống lại những tác nhân gây bệnh nguy hiểm chúng ta quan tâm. Không có sự bảo hiểm nào mà không đòi hỏi phí bảo hiểm. Công việc của chúng ta là cung cấp sự bảo hiểm lớn hơn, toàn diện hơn và giảm bớt qui mô của phí bảo hiểm.

Để tiến tới loại trừ bệnh viêm gan B tại Việt Nam, với đường lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con, cần phải tăng tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ :

  1. Mỗi cán bộ y tế từ sản xuất, vận chuyển, bảo quản, kiểm định, tiêm phòng, theo dõi và xử lý các trường hợp tai biến sau tiêm chủng cần nhận thức và nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, coi mỗi mũi tiêm không chỉ bảo vệ cho 1 trẻ mà còn tác động đến sức khỏe tương lai của đất nước.
  2. Với khoảng 30% trẻ sơ sinh đẻ tại nhà, ở vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa kịp cung cấp dịch vụ qua dây chuyền lạnh kịp thời ngay trong vòng 24 giờ, với đặc điểm vắc xin viêm gan B an toàn và có hiệu lực bảo vệ khi để ở nhiệt độ 37oC trong vòng 1 tháng và 45oC trong vòng 1 tuần, cần nghiên cứu và sử dụng chỉ báo nhiệt độ để đảm bảo các đối tượng này cũng được hưởng dịch vụ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ.
  3. Những ông, bà, bà mẹ phối hợp với ngành y tế để vận động tiêm phòng, theo dõi, xử lý kịp thời theo các quy định.

Với 10 triệu người đang mang vi rút viêm gan B hiện nay, có lẽ điều mong ước lớn nhất là được tiêm phòng vắc xin lúc còn trẻ, để không chỉ bảo vệ cho mình, cho người vợ/chồng, con cái, người thân xung quanh mà còn cho cả cộng đồng.

Tin tức khác
 
Tin tức tiêu biểu
Hội thảo nâng cao năng lực quản lý nguy cơ sinh học phòng xét nghiệm di động phản ứng nhanh
Sáng ngày 18/12/2023, Hội thảo “Nâng cao năng lực về quản lý nguy cơ sinh ...
Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Thống Nhất phối hợp tổ chức khoá học An toàn tiêm chủng 22-24/12/2023
Sáng ngày 22/12/2023 - Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Thống Nhất ...
Khóa đào tạo An toàn tiêm chủng trực tiếp (20-22/12/2023)
Sáng ngày 20/12/2023, Trung tâm Đào tạo - Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã triển ...
Lễ trao bằng cho Tân tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy
Ngày 26/5/2023, tại phòng họp B9, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh long trọng tổ ...